Chi tiết bài viết

Liên thông kết quả xét nghiệm y tế ở 38 bệnh viện từ 1-7

Liên thông kết quả xét nghiệm y tế ở 38 bệnh viện từ 1-7

Hoàng Nhung
Thứ Hai,  26/6/2017, 14:24 (GMT+7)
Chia sẻ: 
 

 
 
Một bệnh nhân đang được các bác sĩ thực hiện chỉ định lâm sàng ở Bệnh viện Quận Thủ Đức TPHCM. Ảnh: Hoàng Nhung

(TBKTSG Online) - Bộ Y tế cho biết, từ 1-7 tới ngành y tế sẽ áp dụng liên thông xét nghiệm giữa 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hằng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện sẽ khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng/năm.

Do đó, theo lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đã được xác định trong Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, trước ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Hiện chất lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh tốt hơn nhiều so với các bệnh viện tuyến dưới.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm và xây dựng danh mục các xét nghiệm có thể được liên thông công nhận kết quả, và đánh giá công nhận mức chất lượng xét nghiệm. Các trung tâm kiểm chuẩn cũng đã triển khai gần 4.000 chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm. Hiện cả nước có hơn 50 phòng xét nghiệm đã đạt chứng chỉ ISO 15189, trong đó khoảng 50% thông qua sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Việc liên thông kết quả xét nghiệm được cho là rất cần thiết để giảm chi phí cho người bệnh, tránh việc lạm dụng của các cơ sở y tế… Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trước khi thực hiện một chủ trương nào cũng cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn, nếu không khéo chính sách đó làm dễ cho nhà quản lý, nhưng có hại cho bác sỹ và bệnh nhân.

TS.BS. Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám Quốc Tế ExSon cho rằng, việc thực hiện liên thông xét nghiệm có thể giúp ngăn ngừa việc lạm dụng xét nghiệm, tránh gây phiền hà cho người bệnh, nhưng nếu sử dụng nó như một vũ khí để khống chế các bác sĩ chỉ định xét nghiệm, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng khám chữa bệnh.

GS.BS. Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho rằng, Bộ Y tế nên xác định xem cần liên thông những xét nghiệm gì. Có lẽ Bộ Y tế chỉ liên thông về lĩnh vực sinh hóa, hóa nghiệm, huyết học, vi sinh, còn những xét nghiệm về siêu âm, chẩn đoán hình ảnh… thì chưa liên thông được. Lý do là những xét nghiệm này ảnh hưởng rất lớn, bởi người thực hiện và người đọc có trình độ rất khác nhau.

Theo BS. Công, liên thông xét nghiệm là chủ trương đúng, Tuy nhiên, muốn liên thông được cần chuẩn hóa các phòng xét nghiệm ISO, kiểm chuẩn, nội kiểm. Ngoài việc kiểm chuẩn, kiểm chứng định kỳ phải tuân thủ quy trình làm việc của các phòng xét nghiệm ngày một nâng cao, đặc biệt từng lô sản phẩm đều được kiểm soát về mặt chất lượng.

Đơn vị xét nghiệm cũng phải được thống nhất. Quy định cả nước cần phải theo chuẩn quốc tế, phải thống nhất về mặt hệ thống, Bộ Y tế cần quy định dùng đơn vị nào thì tất cả đơn vị đo của phòng thí nghiệm phải dùng như nhau.

BS. Công nhấn mạnh: “Tôi có nghe thông tin rằng muốn liên thông kết quả xét nghiệm, bác sĩ phải chịu trách nhiệm ký tên, đóng dấu. Nếu như tất cả các khâu xét nghiệm đều phải đóng dấu thì căng, mười xét nghiệm phải đóng mười dấu thì phòng xét nghiệm phải có đến cả chục con dấu mới được. Như vậy, chỉ riêng việc xếp hàng đóng dấu cũng đủ nhiêu khê. Do đó, chỉ cần chữ ký và có logo chìm, hoặc có những dấu hiệu phân biệt giấy xét nghiệm thật hay giả. Không nên phức tạp hóa vấn đề đòi hỏi bác sĩ phải ký tên, đóng dấu”

http://www.thesaigontimes.vn/
 

Đối Tác Khách Hàng